Bạn sẽ phản ứng thế nào khi biết đối thủ của mình đang gặp khủng hoảng? Mừng hay lo? Câu hỏi tưởng chừng như “vô duyên” nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa đằng sau nó.
Là đối thủ, có nghĩa bạn và doanh nghiệp kia có cung cấp chung một loại sản phẩm. Họ gặp khủng hoảng có nghĩa thương hiệu của họ đang bị “lung lay” trong tâm trí người tiêu dùng và đồng nghĩa với việc kinh doanh không có lợi nhuận. Nếu sản phẩm của bạn không có gì đặc biệt thì công ty của bạn cũng có nguy cơ “cùng chung số phận” với doanh nghiệp đó.
Ví dụ về nước mắm Nam Ngư, không được công bố rộng rãi nhưng các clip về sự pha chế thủ công của nước mắm Nam Ngư được lan truyền một cách nhanh chóng trên mạng xã hội. Đang là nước mắm yêu thích bỗng chốc bị tẩy chay trên diện rộng. Nam Ngư vẫn liên tục cho ra các sản phẩm mới và các chế độ ưu đãi khách hành nhưng để lấy lại thương hiệu, Nam Ngư còn phải mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Tất nhiên nước mắm Chinsu cũng bị ảnh hưởng vì cũng thuộc hãng sản xuất Masan. Và các hãng nước mắm khác cũng bị “săm soi” các thành phần cấu tạo như một “tội đồ”. Nhiều khách hàng khó tính còn từ bỏ luôn thói quen ăn nước mắm để đến với các sản phẩm như muối, bột canh…
Thương hiệu rơi vào tình trạng khủng hoảng ắt dẫn tới việc các tranh cãi tiêu cực gia tăng và có khả năng lan rộng ra ngoài những vấn đề thương hiệu đối thủ đang gặp phải. Vì khi đó, không phải là một công ty mà toàn bộ ngành sẽ được các cơ quan chức năng cũng như truyền thông quan sát, theo dõi chặt chẽ hơn. Hậu quả là doanh nghiệp của bạn có thể bị cuốn vào “perverse halo” này mà không nhận ra cho đến khi có những thiệt hại về danh tiếng hoặc tài chính.
Trong kinh doanh, phát ngôn sớm của một thương hiệu nào đó, đôi khi chỉ nhằm thừa nhận có điều gì đó đã xảy ra, công ty đang đang điều tra toàn bộ sự việc và thông tin sẽ được chia sẻ ngay khi có kết quả điều tra. Những công ty hoặc thương hiệu phát ngôn ngay lập tức, khi xảy ra khủng hoảng sẽ có nhiều cơ hội hơn để trở thành nguồn thông tin chính cho truyền thông trong suốt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ đó là cơ hội để phát triển mạnh mẽ thương hiệu của mình khi bớt đi đối thủ bạn sẽ có thêm phần trống thị trường. Hãy coi đó như một sự cảnh báo để phòng ngừa những rủi do như vậy có thể đến với mình bất kỳ khi nào. Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện xử lý khủng hoảng đồng bộ, từ khâu phát ngôn của doanh nghiệp cho tới các biện pháp xử lý khủng hoảng. Không tránh né, hứa hẹn, vòng vo vì sự việc có khả năng bị đẩy đi quá xa, ngoài vòng kiểm soát và khó khăn cho việc phục hồi thương hiệu sau này.
Do đó, thay vì hả hê vì bớt đi một đối thủ cạnh tranh, thì bạn nên chú trọng hơn đến sản phẩm của mình. Kinh doanh cũng được ví như những ván bài, gặp thời cơ bạn sẽ phất như diều gặp gió. Ngược lại, bạn sẽ rất khó khăn khi gặp khủng hoảng. Tệ hơn nữa đó là sự phá sản cho một thương hiệu đã từng có được tiếng vang và lòng tin của khách hàng. Trường hợp này thích hợp với câu “Ai ơi chớ vội cười nhau, cười người hôm trước, hôm sau người cười”.